(QT) - Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đi qua giữa lòng thị trấn miền núi Bến Quan của huyện Vĩnh Linh đã tạo ra một động lực mới mẻ cho quá trình phát triển của thị trấn này. Phố núi Bến Quan như một nốt son hãnh diện được nằm trên con đường mang tên Người. Trên hành trình thiên lí Bắc- Nam ai cũng muốn một lần được dừng lại mảnh đất này để nghe người dân phố núi kể về những câu chuyện đánh giặc giữ làng, xây dựng quê hương, đất nước.
Chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn cháy ở Bến Quan
Khi Trung đoàn Tên lửa phòng không 238 thuộc Đoàn Hạ Long bắn cháy chiếc máy bay B52 đầu tiên của Mỹ trên miền Bắc Việt Nam rơi xuống Nông trường Quyết Thắng vào ngày 17/9/1967 - mảnh đất mà bây giờ thuộc thôn 3 của thị trấn Bến Quan - anh Nguyễn Văn Lý, Phó Bí thư Thường trực của thị trấn, chưa ra đời. Lớn lên, anh Lý biết được câu chuyện đầy tự hào này qua từng buổi học mà các cô giáo ở thị trấn Bến Quan kể cho học trò nghe. Để rồi hôm nay chuyện về trận địa tên lửa phòng không được đặt trên mảnh đất Bến Quan luôn được anh Lý ghi lòng tạc dạ và đầy tự hào kể lại trong mỗi lần gặp gỡ du khách đến với thị trấn quê hương.
Ngày đó, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Bác Hồ, tháng 4/1966 Trung đoàn Tên lửa phòng không 238 thuộc Quân chủng Phòng khôngKhông quân vào chiến đấu ở chiến trường Nam khu IV nhằm bảo vệ giao thông vận tải trên đường Hồ Chí Minh và còn đảm nhận thêm một nhiệm vụ đặc biệt nữa là nghiên cứu cách đánh máy bay chiến lược B52. Không phải ngẫu nhiên mảnh đất Bến Quan được chọn làm trận địa tên lửa phòng không. Nơi đây có đường giao thông chiến lược 15, một nhánh của đường Trường Sơn qua các cao điểm quan trọng, nhiều đơn vị chủ lực của ta đã tập kết ở đây trước khi vào Nam chiến đấu; thanh niên cùng dân công ngày đêm đào hầm, chặt lá rừng ngụy trang bảo vệ các vị trí, đảm bảo được các yếu tố bị mật về quân sự, độ tin tưởng cao. Vượt qua gian khổ, ác liệt và hi sinh, được sự giúp đỡ của Đặc khu Vĩnh Linh và người dân nông trường Quyết Thắng, mà bây giờ là thị trấn Bến Quan, Tiểu đoàn 84 của Trung đoàn Tên lửa phòng không 238 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vào hồi 17 giờ 3 phút ngày 17/9/1967 tại trận địa T5 thuộc thôn 3 của thị trấn Bến Quan, Tiểu đoàn 84 do đồng chí Nguyễn Đình Phiên chỉ huy với ê kíp chiến đấu gồm sĩ quan điều khiển Lê Hỷ, các trắc thủ Phạm Viết Ngoạn, Trần Hồng Thính và Nguyễn Văn Ngận đã phóng hai quả tên lửa tiêu diệt được một chiếc máy bay B52. Đây là chiếc máy bay B52 đầu tiên của Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc. Trên đà hăng say chiến đấu, đến 17 giờ 34 phút cùng ngày, khi thêm một tốp máy bay B52 nữa lọt vào trận địa, mặc dù chỉ còn một quả tên lửa nhưng các đồng chí vẫn quyết tâm đánh và tiêu diệt thêm một chiếc máy bay B52 nữa. Đây là trận đánh có ý nghĩa lịch sử, lần đầu tiên “thần tượng siêu pháo đài bay B52”của Mỹ đã bị tiêu diệt trên chiến trường miền Bắc Việt Nam. Trận địa tên lửa ngày ấy, bây giờ đã được đặt bia lưu niệm và trở thành di tích lịch sử quốc gia.
Di tích lịch sử quốc gia “Trận địa tên lửa phòng không” tại Bến Quan
Trong câu chuyện anh Lý kể, để có được hình ảnh tươi đẹp như hôm nay, người dân Bến Quan đã vượt qua không ít thăng trầm. Đó là những ngày Bến Quan chưa có đường Hồ Chí Minh đi qua. Ngày đó anh Lý là trưởng thôn 5 của thị trấn. Đây là thôn có dân số đông nhất của thị trấn, hơn 180 hộ dân, đất đai rộng lớn, có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nhưng không thể giàu lên được vì chưa có đường giao thông nối ra với bên ngoài. Từ thôn 5 muốn qua trung tâm thị trấn, mùa hè thì phải lội sông Bến Quan nước ngang đầu gối, còn mùa đông phải đi đò qua sông. Từ học sinh các cấp đến người dân lao động, cán bộ đi làm đều đi đò mỗi ngày rất vất vả, nguy hiểm và đã có những cái chết thương tâm xảy ra vì nước lũ cuốn trôi. Những hôm mưa lũ lớn không thể chèo đò qua bên kia được, cả thôn 5 bị cô lập với bên ngoài. Không chỉ thôn 5, các thôn khác của thị trấn cũng chung tình trạng gặp nhiều khó khăn trong bước đường phát triển do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Ước muốn có một chiếc cầu bắc qua sông Bến Quan, có đường giao thông được kết nối mọi miền để tạo thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội là khẩn thiết hơn lúc nào hết của người dân thị trấn này.
Thu nhập của người dân tăng gấp 10 lần
Để phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, ngày 5/4/2000, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phát lệnh khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh tại bến phà Xuân Sơn, tỉnh Quảng Bình. Đường Hồ Chí Minh nhánh đông qua tỉnh Quảng Trị cũng được bắt đầu khởi công xây dựng đoạn qua thị trấn Bến Quan. Tôi được gặp chị Nguyễn Thị Huyền, trước đây nhà ở khóm Ngã Tư thị trấn, người đã tự nguyện tháo dỡ ngôi nhà của mình đang ở để giao mặt bằng cho đơn vị khởi công dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công đường Hồ Chí Minh. Chị kể khi biết tin nhà nước làm đường Hồ Chí Minh, tôi cũng như bà con ở khóm Ngã Tư này động viên nhau phải hết sức tạo thuận lợi cho đơn vị thi công để thị trấn sớm có con đường như mơ ước. Tôi chủ động nhận tiền đền bù, chấp nhận rời khỏi khu sôi động nhất của thị trấn để đến thôn 9 xa hơn, dựng lại nhà cửa, mở dịch vụ ăn uống phục vụ du khách như bây giờ. Nhờ những người dân luôn có ý thức cao như chị Huyền nên đoạn đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Bến Quan được thi công hoàn thành rất sớm.
Vóc dáng của thị trấn miền núi Bến Quan luôn thay đổi kể từ khi có đường Hồ Chí Minh đi qua. Chủ tịch thị trấn Bến Quan Đỗ Thị Lài cho biết, Đảng bộ, chính quyền thị trấn xác định đường Hồ Chí Minh là một lợi thế lớn để khai thác phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Thị trấn quy hoạch và xây dựng một hệ thống đường xương cá dài hơn 20 km, rãi nhựa hoàn chỉnh kết nối vào đường Hồ Chí Minh, đã làm cho Bến Quan có điều kiện để nhanh chóng phát triển dịch vụ, thương mại gắn với nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại, trồng rừng. Đến thăm mô hình kinh tế trang trại của anh Nguyễn Hải Châu ở thôn 4 mới thấy hết được giá trị của giao thông kết nối mang lại trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Trước đây anh Châu cũng làm trang trại nhưng không có đường giao thông thuận lợi nên rất khó bán sản phẩm làm ra, dẫn đến thu nhập của gia đình chưa cao. Từ ngày có đường thông thoáng, với diện tích 4 ha hồ tiêu, 8 ha cao su, hơn 1 ha diện tích mặt nước ao hồ nuôi cá cùng với nhiều ha rừng trồng đã mang đến cho gia đình anh Châu hơn một tỉ đồng thu nhập mỗi năm. Nhờ có đồng tiền làm ra nên anh Châu nuôi ba người con ăn học đàng hoàng. Còn với thôn 5 của thị trấn Bến Quan, từ ngày có cầu Bến Quan trên đường Hồ Chí Minh bắc qua, thoát khỏi cảnh đi đò mỗi ngày, giao thông được nối liền, sản phẩm nông nghiệp làm ra được tư thương đến tìm mua tại vườn, nên đời sống kinh tế của người dân đổi thay đến nhanh chóng.
Các kì đại hội Đảng của thị trấn đã xác định hướng đột phá kinh tế của Bến Quan là phát huy lợi thế đất đai miền núi, ưu tiên phát triển kinh tế mũi nhọn với các loại cây công nghiệp và lâm nghiệp như cao su, hồ tiêu, rừng trồng lấy gỗ lớn; cùng với đó là chuyển dịch cơ cấu cây trồng mới sang mô hình đa cây, đa con. Hiện thị trấn có 1.800 ha cao su, hơn 3.100 ha rừng, hồ tiêu, lúa, cây ăn trái, ao hồ nuôi cá…Gia đình anh Trương Tấn An ở thôn 7 là một trong những người đầu tiên của thị trấn áp dụng mô hình nông nghiệp sạch trồng dưa lưới trong nhà kính. Anh An cho biết đang chuẩn bị vào mùa thứ hai thu hoạch dưa lưới. Giá bán trung bình mỗi kilogam dưa lưới hiện khoảng 60 nghìn đồng. Trồng dưa lưới tốn công sức đầu tư ban đầu nhưng tính ổn định và hiệu quả cao, sẽ thu hồi vốn nhanh, cho lãi cao hơn các cây trồng trên cùng đơn vị diện tích.
Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan Đỗ Thị Lài tự tin, Đảng bộ và chính quyền thị trấn Bến Quan đang nỗ lực đưa thị trấn trở thành đầu mối kinh tế, giao thông, du lịch của miền núi huyện Vĩnh Linh. Hiệu quả kinh tế, xã hội từ ngày có đường Hồ Chí Minh đi qua đã góp phần tạo sức bật rất lớn cho thị trấn. Năm 2000, thị trấn có hơn 3.350 người, thu nhập bình quân trên đầu người chỉ ở mức 5 triệu đồng trên năm. Nhờ có đường giao thông được kết nối các vùng, sự vào cuộc của lãnh đạo cũng như đồng hành của người dân theo hướng có lựa chọn, quyết liệt trong phát triển kinh tế nên Bến Quan đã đạt được nhiều đột phá hiệu quả. Đến năm 2009, thu nhập bình quân trên đầu người dân của thị trấn đạt 10 triệu đồng. Năm 2018, sau mười tám năm có đường Hồ Chí Minh đi qua, toàn thị trấn Bến Quan có hơn 4 nghìn người dân, thu nhập bình quân trên đầu người dân đạt 42 triệu đồng, cố gắng đến cuối năm 2019 đạt 46 triệu đồng và năm 2020 đạt 50 đến 55 triệu đồng, gấp 10 lần trước khi chưa có đường Hồ Chí Minh.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Bến Quan đến điểm mốc lịch sử Khe Hó-Km 0 (bây giờ thuộc địa phận xã Vĩnh Hà) đầu tiên của đường Trường Sơn, cách nhau khoảng hơn 6 km. Sáu mươi năm trước, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn công tác Quân sự đặc biệt 559, mở đường vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam. Lúc ấy, Bác Hồ ân cần dặn dò cán bộ, chiến sĩ đi mở đường Trường Sơn: “Phải tận dụng thiên thời, địa lợi, nhân hòa, khẩn trương mở mới, kéo dài đường gùi thồ Đông Trường Sơn”. Tháng 6/1959, Thượng tá Võ Bẩm (người Quảng Ngãi) cùng Trung tá Trần Anh Don (người Vĩnh Linh) nguyên là Binh trạm trưởng của Binh trạm 32- 33, Trưởng phòng Hành quân-giao liên của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 559, dẫn đầu Đoàn công tác Quân sự đặc biệt 559 vào Quảng Trị khảo sát địa hình, chọn địa điểm mở đường Trường Sơn. Với phương châm phải chủ động tránh địch để bảo toàn lực lượng, bảo đảm tuyệt đối bí mật an toàn của tuyến đường, sau một thời gian đi thực tế và bàn bạc với Bí thư đặc khu Vĩnh Linh Hồ Sĩ Thản, Đoàn trưởng Võ Bẩm quyết định chọn Khe Hó làm điểm mốc đầu tiên cho con đường gùi thồ vượt Trường Sơn. Quyết định chọn Khe Hó của Quảng Trị làm điểm mốc lịch sử lập tức được Bác Hồ đồng ý. Từ đây, những chuyến hàng ở miền Bắc nối đuôi nhau được bí mật vận chuyển đến khu tập kết ở Khe Hó trước khi vận chuyển vào Nam.
Sáu mươi năm, từ đường Trường Sơn đến đường Hồ Chí Minh, kể từ ngày đầu soi đường, mở lối cho đến con đường CNH, HĐH hôm nay đã chứng minh, chủ trương mở đường Trường Sơnđường Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược và sáng tạo của Đảng ta, là sự kết hợp tài tình của nghệ thuật lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ đất nước, mà mảnh đất Vĩnh Linh- Quảng Trị được vinh dự làm điểm mốc đầu tiên cho hành trình đi lên.